Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, siêu tự động hóa, người máy, trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, mặc dù chưa thực sự có nghiên cứu nào đánh giá mức độ đột phá về công nghệ mới của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam song cũng có thể thấy những thay đổi đời sống xã hội như dịch vụ xe UBER, GRAB hay nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh, quy trình tự động hóa sản xuất mang tính hệ thống của nhiều tập đoàn, công ty. Nước ta không nằm ngoài tiến trình phát triển chung của thế giới với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này. Trên nhiều diễn đàn gần đây, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được bàn luận rất nhiều bao gồm cả những suy tư lo lắng về mất việc làm, về sự tụt hậu của kỹ năng lao động và đặt ra nhiều câu hỏi cho giáo dục và đào tạo nghề nghiệp. Dưới đây là nhận diện một số vấn đề đặt ra.
Điểm nổi bật của CN 4.0 là trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều công đoạn sản xuất dịch vụ, và do vậy, có nguy cơ dẫn đến thừa lao động ở một số vị trí việc làm và ngành nghề
Với CN4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo.
Qua các nghiên cứu cho thấy, sản xuất đang trải qua một sự thay đổi hướng tới tư duy thiết kế thay vì tư duy sản xuất, và nhu cầu về tư duy liên ngành và sự sẵn sàng học tập suốt đời và liên văn hoá trở nên quan trọng hơn. Người lao động Việt Nam, ngoài kỹ năng nghề nghiệp cần được trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực và tư duy phê phán, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và lập luận toán, giải quyết vấn đề. Trong cuộc cách mạng này thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Cùng với việc tăng cường tự động hóa và sử dụng robot thay thế con người trong các lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và trở thành thất nghiệp. Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp (các hoạt động đơn giản được lặp đi lặp lại) sẽ dễ được thay thế bằng các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng CN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. Theo đó người lao động sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của công nghệ và sản xuất. Chẳng hạn, người lao động sẽ đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo khi khắc phục một lỗi/sự cố hoặc để tối ưu hóa các quy trình sản xuất. Điều này đòi hỏi người lao động phải có các kiến thức về hệ thống, quy trình, phương pháp và công nghệ phù hợp.
Các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin như lập trình, kỹ năng liên ngành, khai thác dữ liệu lớn, an toàn thông tin, an ninh mạng kỹ năng kỹ thuật để xử lý các phương tiện kỹ thuật số; kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả; các năng lực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM); khả năng xử lý thông tin phức tạp và quản lý dữ liệu... là các kỹ năng quan trọng của người lao động trong CN 4.0. Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... cũng rất quan trọng.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Giáo dục nghề nghiệp sẽ không thuần túy đào tạo những nghề đơn lẻ, ổn định mà cần linh hoạt, thích ứng với xu hướng luôn thay đổi
Hiện nay, nhiều nước đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động để nâng cao khả năng sẵn sàng cho CN 4.0. Đơn cử, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra thông qua nhiều diễn đàn của Đại hội đối tác toàn cầu của Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) đó là, trong bối cảnh nền kinh tế số và CN 4.0 cần thiết phải xây dựng các năng lực số cho các nhóm đối tượng mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là người dạy và người học. Hiện nay, Châu Âu đã có Khung năng lực số cho công dân nói chung (European Digital Competence Framework) và cho các nhà giáo dục/ sư phạm nói riêng (European Framework for the Digital Competence of Educators).
Giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam nói riêng cũng phải đưa ra những chiến lược và biện pháp cụ thể nhằm đối phó với những thách thức trong phát triển kỹ năng, giáo dục và đào tạo đồng thời tận dụng các cơ hội to lớn do CN 4.0 mang lại. Một số giải pháp bao gồm:
- Đánh giá nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Cho đến nay vẫn còn thiếu các quan sát, đánh giá cụ thể ở từng ngành nghề và sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh CN 4.0. Hầu hết các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động còn chung chung, phần lớn chỉ mới đề cập đến các năng lực xã hội và năng lực chung cùng với yêu cầu nhiều hơn về kỹ năng CNTT. Do đó cần phải có những nghiên cứu, khảo sát để xác định các nhu cầu kỹ năng ở từng ngành nghề cụ thể.
- Hợp tác, liên kết giữa hệ thống đào tạo với các khu vực tư nhân (như tăng cường đào tạo tại doanh nghiệp), tạo điều kiện để sinh viên học tập kinh nghiệm, thực tập, thực hành và đạt các kỹ năng mềm chứ không chỉ có kiến thức lý thuyết.
- Thành lập các hội đồng kỹ năng ngành để thực hiện nghiên cứu, dự báo sự phát triển nghề nghiệp, các yêu cầu kỹ năng và phối hợp xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nghề nghiệp.
- Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và tiêu chuẩn đào tạo thích ứng theo phát triển công nghệ. Thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, một mặt đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra của nghề, mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề.
- Thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng CNTT triển khai đào tạo trên môi trường mạng, đặc biệt là đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng MOOCs (Massive Online Open Courses). Cùng với đó là sự đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng đáp ứng năng lực hành nghề và tính sáng tạo của người học.
- Cập nhật nâng cao kỹ năng hoặc tái tạo kỹ năng cho người lao động, chú trọng phát triển giáo dục STEM. Mặt trái của Công nghiệp 4.0 cũng được xác định là những vấn đề dễ bị lạm dụng như xâm phạm đời tư, an ninh mạng, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục và đào tạo cần tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm công dân thích ứng với công nghiệp 4.0.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong đào tạo và quản lý đào tạo, các giải pháp CNTT và hợp tác doanh nghiệp quốc nội và quốc tế - cơ chế đảm bảo sự linh hoạt và thích ứng của GDNN và phát triển kỹ năng.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường… đồng thời thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động Việt Nam.
Có thể nói, để đáp ứng được yêu cầu của thời đại, nước ta cần có những chính sách, chiến lược nâng cao chất lượng GDNN và phát triển kỹ năng một cách đầy đủ ý nghĩa linh hoạt, mở và thích ứng./.
Nguồn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.