Lượt xem: 2078
Hội thảo tìm giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số về Đào tạo lao động trong PCI tỉnh Sóc Trăng.
12/09/2019
Sáng ngày 09/9/2019, Ủy ban nhân
dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi
nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội thảo tìm giải pháp cải thiện, nâng
cao chỉ số về Đào tạo lao động trong PCI tỉnh Sóc Trăng.
Đến dự và chủ trì buổi Hội thảo có
ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo VCCI Cần
Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở ngành, UBND cấp huyện,
các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở
Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá chỉ
số thành phần về Đào tạo lao động trong PCI của tỉnh năm 2018, phân tích những
khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số về Đào tạo
lao động trong PCI cấp tỉnh thời gian tới.
Đại diện Công ty TNHH Broabpeak Sóc
Trăng (may mặc) và Công ty TNHH Khánh Sủng (chế biến thủy sản) trình bày đánh
giá về mức độ tiếp cận dịch vụ tuyển dụng, đào tạo lao động, công tác hỗ trợ
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đề xuất nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp
trong thời gian tới.
Đại diện Trường Cao đẳng Cộng đồng
và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng cùng tham luận về những thuận lợi, khó khăn
trong công tác đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên
cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày về chủ đề nâng
cao chất lượng lao động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương. Theo
đó, tỉnh cần tập trung vào 02 nhóm giải pháp chính: (1) Nâng cao chất lượng lao
động từ chính quyền và doanh nghiệp. Đối với chính quyền cần nâng cao năng lực
cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các nhà giáo giáo dục nghề
nghiệp trãi nghiệm thực tế. Khuyến khích liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp và doanh nghiệp (có thể đưa ra các tiêu chí đối với cơ sở giáo dục nghề
nghiệp công lập). Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng
cao kỹ năng mềm,... chú trọng định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu
thị trường lao động, chú trọng dịch vụ giới thiệu việc làm, tăng cường đối
thoại để tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp trong đào tạo lao động,.... (2) Đối
với doanh nghiệp cần tham gia tích cực cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong
xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng và năng lực nghề; mở rộng đào tạo nghề trong doanh
nghiệp; Ứng dụng và phát triển khoa học, công nghề và các chế độ, chính sách để
thu hút lao động có kỹ năng,...
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc
VCCI Cần Thơ, đã phân tích và đánh giá kết quả chỉ số đào tạo lao động trong
chỉ số PCI tỉnh Sóc Trăng 2018, nêu lên khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng
đào tạo lao động.
Theo Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, để nâng cao chỉ số về đào tạo lao động
thì các DN cần xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ và đồng hành cùng người lao
động. Và coi người lao động là vốn quý, là tài sản của DN. DN phải xây dựng văn
hóa DN làm nền tảng cho sự phát triển; xem người lao động là người đem lại lợi
nhuận cho DN và chủ DN dùng lợi nhuận này để hậu đãi cho người lao động để họ
gắn bó với DN. DN cần quan tâm vận dụng các chính sách của nhà nước để DN giảm
chi phí sản xuất chung trong đó có chi phí đào tạo và tuyển dụng của DN
Kết luận Hội thảo, ông Ngô Hùng,
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh: các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị
có liên quan và các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số
10/CT-UBND ngày 05/8/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về một số
giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tinh; Sở Lao động – Thương
binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban ngành, cơ quan có liên quan và các địa
phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện các
chỉ tiêu trong chỉ số về đào tạo lao động; trong việc tổ chức đối thoại, gặp gỡ
doanh nghiệp định kỳ cần tập trung phân tích, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc trong đào tạo lao động, cung ứng, giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp; Sở
Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Hiệp
hội Doanh nghiệp làm tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề
nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với doanh nghiệp trong đào tạo lao động
và cung ứng giới thiệu việc làm./.
Phòng Dạy nghề